Chiều 22/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành in năm 2024 với sự tham gia của nhiều đại biểu, nhân sự đang công tác trong ngành xuất bản, phát hành và in ấn.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông – cho biết, năm 2023 số lượng cơ sở in có sự tăng trưởng về quy mô. Ngoài các trung tâm in lớn, đã xuất hiện thêm một số khu vực trọng điểm có số lượng cơ sở in tăng cao.
Số cơ sở in mở mới chủ yếu là các in bao bì. Ngoài ra, một số cơ sở in trong nước cũng được mở mới để tham gia vào thị trường in xuất bản phẩm xuất khẩu do các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc chuyển dịch sang Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi về thuế suất và giá nhân công lao động.
Theo ông Nguyên, đến ngày 15/3, cả nước có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động, số lượng cơ sở in năm 2023 tăng 3,7% so với năm 2022. Năm 2023, cả nước có 79 cơ sở in đã giải thể (chiếm 2,85% tổng số cơ sở in), trong đó các cơ sở in nhà nước chiếm 50,6% còn lại là các cơ sở in tư nhân tập trung ở TPHCM.
Bên cạnh đó, ngành đã đầu tư đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ, bắt kịp trình độ phát triển khu vực và thế giới. Đặc biệt một số cơ sở in xuất bản phẩm đã tham gia vào thị trường in xuất khẩu, có những doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp tự xuất khẩu xuất bản phẩm. Đồng thời, năng lực quản trị, chuyển đổi số của các doanh nghiệp in có nhiều thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp in cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định khiến cho ngành đứng trước những khó khăn. Đó là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển.
“Đây vẫn luôn là vấn đề nóng mà các giải pháp chưa thực sự toàn diện, các doanh nghiệp in kêu nhiều nhưng chưa thực sự chung tay để giải bài toán nguồn nhân lực. Các công ty in cũng cần phải đột phá càng sớm càng tốt, chú trọng đào tạo nhân sự, tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển, cập nhật đổi mới nhằm phát triển doanh nghiệp và ngành.
Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng nhân lực chưa được nhiều, dẫn đến việc nhân lực đào tạo chưa đáp ứng ngay được yêu cầu của công việc khi ra làm”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, ngành in còn thiếu các doanh nghiệp đầu ngành tích cực dẫn dắt và tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu trong đổi mới công nghệ. Ngoài ra, việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu hội nhập đã làm cho việc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đi vào sự thống nhất chung, người tiêu dùng có thể sử dụng những sản phẩm hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Dòng – Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam – cho biết, năm 2023 là một năm ngành công nghiệp in Việt Nam gặp những khó khăn chưa từng có. Trước tiên, đó là sự giảm sút nghiêm trọng ở phần lớn các phân khúc của thị trường ngành in cả trong nước và quốc tế.
“Mặc dù nền kinh tế của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng nhưng thấp hơn so với kỳ vọng do sức mua của thị trường giảm sút, đặc biệt là các loại hàng hóa có liên quan đến ngành công nghiệp in.
Lượng giấy tiêu thụ có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng ngay từ đầu năm. Một vài năm trước, giấy Bãi bằng không đủ cung cấp thì năm vừa qua đã phải cắt giảm sản lượng. Một nhà máy giấy lớn khác của Việt Nam đã phải tìm đối tác nước ngoài để sang nhượng nhưng chưa thành công do thị trường sa sút”, ông Dòng chia sẻ.
Ông Dòng nói thêm: “Khối xuất bản phẩm thiếu việc làm ngay từ đầu năm do việc tổ chức đấu thầu và triển khai in sách giáo dục chậm hơn rất nhiều so với các năm trước. Để kịp có sách phục vụ cho năm học mới, các nhà in đã phải tổ chức tăng ca, làm thêm giờ, không nghỉ chủ nhật làm tăng chi phí rất đáng kể, trong khi trước và sau lại không có việc làm”.
Theo Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, việc cung cấp vật tư, thùng, tem chống giả, bố trí kho hàng, báo giá bìa của nhà xuất bản cũng chậm trễ, không đồng bộ gây rất nhiều khó khăn cho các nhà in. Sản lượng in phẩm, đặc biệt là lịch bloc cũng giảm sút so với trước đây.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – yêu cầu, toàn ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tuyên chiến với vấn nạn in lậu, phát hành sách lậu, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý, đồng thời cũng là việc của mỗi doanh nghiệp in trước đối thủ cạnh tranh không lành mạnh của mình.
“Nếu không chống được in lậu, không tạo ra thị trường in lành mạnh cũng là không thể bảo vệ sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại của ngành”, ông Nguyễn Thanh Lâm bày tỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói thêm, để ngành in có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và phát triển bền vững trong thời gian tới, cần áp dụng các phương pháp thân thiện với môi trường, giảm tác động của ngành in lên môi trường.From: web game casino
Bên cạnh đó, xây dựng phát triển mô hình nhà máy thông minh, nhanh chóng triển khai xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam cho ngành in, bám sát với các tiêu chuẩn quốc tế, để từ đó có những quy chuẩn chung cho sản phẩm, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất giúp chuẩn hóa ngành công nghiệp in.